Chủ tịch VARs ông Nguyễn Văn Đính chia sẻ, bất động sản là sản phẩm có tính nội địa hóa cao, nên giá cả bất động sản sẽ gia tăng với tốc độ khác nhau ở các khu vực và thị trường khác nhau, nhưng vẫn không tránh khỏi yếu tố thị trường là cán cân cung – cầu. Tuy vậy với bối cảnh hiện tại, giá nhà ở hay nói rộng hơn là giá bất động sản sẽ không tăng nhiều trong năm 2024.
Hiện tại, những giải pháp quyết liệt của chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản đã phần nào phát huy tác dụng. Dòng vốn tín dụng đã tiếp cận được phía cung của thị trường. Nhưng ngược lại việc cho vay nhà ở lại đang có chiều hướng giảm dần.
Điều này dễ hiểu khi trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, vay mua nhà ở không phải là ưu tiên hàng đầu của người dân ở thời điểm hiện tại. Hơn thế nữa, nguồn cung nhà ở hiện nay trên thị trường cũng không phù hợp với nhu cầu, khả năng tài chính của số đông người có nhu cầu ở thực.
Đồng thời, lượng khách hàng tham gia thị trường suy giảm khi điều kiện để được vay vốn khó thỏa mãn cùng với môi trường đầu tư, kinh doanh rủi ro buộc các nhà đầu tư phải thận trọng hơn. Đối với phân khúc nhà ở xã hội, khó khăn trong việc phát triển dự án thuộc phân khúc này bao gồm việc xử lý thủ tục đầu tư, tiếp cận vốn, bán hàng,… điều này cũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến giá nhà ở vì nó sẽ tác động đến tiến độ xây dựng và bàn giao nhà ở.
Khi các vướng mắc đầu vào nói trên càng mất nhiều thời gian để khắc phục thì giá nhà ở xã hội còn có khả năng tiếp tục tăng cao.
Thời gian gần đây, ngân hàng phải liên tục rao bán hàng nghìn sản phẩm bất động sản để thu hồi nợ khi mà rủi ro nợ xấu ngày càng gia tăng. Hàng triệu khoản vay với tài sản đảm bảo là bất động sản dự kiến sẽ đến hạn vào thời gian tới.
Các phương án giải quyết các tài sản trên cũng góp phần làm ảnh hưởng đến giá nhà ở hay giá bất động sản nói chung. Việc người vay chọn cách bán nhà hay bị ngân hàng phát mãi tài sản đều sẽ khiến nguồn cung tăng lên, qua đó làm tốc độ tăng giá trên thị trường bất động sản chậm lại.