Phạm vi lập quy hoạch điều chỉnh bao gồm toàn bộ địa giới hành chính của TPHCM có tổng diện tích 2.095 km2 và gồm cả khu vực biển Cần Giờ (diện tích cụ thể để điều chỉnh Quy hoạch chung TPHCM sẽ được xác định trong quá trình lập đồ án, do Cần Giờ nằm ven biển nên cần đảm bảo tính thống nhất ranh giới hành lang bảo vệ bờ biển với tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ biển).
Phạm vi nghiên cứu điều chỉnh Quy hoạch chung TPHCM gồm toàn bộ ranh giới hành chính của TPHCM và các tỉnh xung quanh thuộc vùng vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, bao gồm các tỉnh: Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Tiền Giang; có tổng diện tích khoảng 30.404 km2.
Dự kiến quy mô dân số TPHCM đến năm 2040 khoảng 14 triệu người kèm theo đó là quy mô đất đai phát triển đô thị đến năm 2040, dự kiến đất xây dựng đô thị khoảng 110.000 ha.
Yêu cầu quan trọng nhất đối với điều chỉnh quy hoạch chung TPHCM là rà soát tổng thể về nội dung quy hoạch chung đã được phê duyệt năm 2010 qua đó dự báo các nhu cầu phát triển trong giai đoạn mới.
Một trong những yêu cầu cụ thể về nội dung nghiên cứu điều chỉnh Quy hoạch chung TPHCM là xây dựng tầm nhìn mới theo ý tưởng:
“TPHCM là thành phố đổi mới, sáng tạo, phát triển năng động, tiên phong trong vùng đô thị lớn, trở thành trung tâm kinh tế tri thức, kinh tế biển và giao thương quốc tế của Việt Nam, trung tâm tài chính và dịch vụ của khu vực Đông Nam Á và châu Á – Thái Bình Dương, có chất lượng sống tốt và môi trường làm việc hấp dẫn, có tính đa dạng văn hóa, bảo tồn di sản và cảnh quan sông nước, có hạ tầng đô thị bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Nghiên cứu điều chỉnh Quy hoạch chung TPHCM cũng đề xuất lựa chọn các chỉ tiêu kinh tế – kỹ thuật qua đó dự báo về tác động của điều kiện tự nhiên,dự báo về phát triển kinh tế – xã hội theo quy mô dân số, quy mô đất xây dựng đô thị và hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội cho toàn thành phố, khu vực đô thị trung tâm, từng đô thị và khu chức năng theo từng giai đoạn phát triển của thành phố, đảm bảo phù hợp với thực tiễn phát triển và có tính khả thi.